GIÁC NGỘ MỖI NGÀY

GIÁC NGỘ MỖI NGÀY
Mã sản phẩm:
9722
Giá bán:
75.000đ

Mô tả

Ngày nay, dòng sách nghệ thuật sống thường chiếm giữ một vị trí nhất định trong lòng bạn đọc. Bởi ai cũng hy vọng tìm thấy điều gì đó đặc biệt từ những lời khuyên trong sách, từ những phương pháp có thể phần nào giúp cải thiện cuộc sống quá nhiều bận rộn, mệt mỏi, lo toan, áp lực và đầy rẫy những bám chấp, vọng tưởng... Xuất phát từ nhu cầu, hàng loạt ấn phẩm rao giảng giá trị đạo đức, nâng cao giá trị cuộc sống ra đời. Điều này vô tình tạo nên tình trạng "khủng hoảng thừa" dòng sách rèn kỹ năng và nâng cao giá trị sống. Đôi khi trước một cuốn sách kiểu như thế, bạn đọc lại cảm thấy khó tiếp nhận, thấy chai sạn hoặc vô cảm trước những lời khuyên.

Thế nhưng, điều đó khó có thể xảy ra với tác phẩm Giác ngộ mỗi ngày - Bước chân an lạc trong thời hiện đại. Ngay từ trang sách đầu tiênđộc giả lập tức bị cuốn xoáy, không phải vào con chữ, mà vào bức chân dung vớinụ cười an lạc của Đức Pháp vương Gyalwang Drukpa - tác giả cuốn sách. Trong bức chân dung, ông ngồi thẳng lưng, hai tay chắp khoan thai cùng tràng hạt, nụ cười tỏa rạng như đóa sen lung linh, ánh mắt hiền từ nhìn thẳng vào người đang đối diện trang sách. Nụ cười, ánh mắt ấy chỉ có thể toát ra từ một con người hiểu rõ sức mạnh nội tâm, thấu hiểu giá trị của bản thân khi được đặt trong giá trị sống rộng lớn hơn của cuộc đời. Ông chưa kịp nói: "Hãy tin tôi và hãy đọc tôi" thì có lẽ bạn đã muốn lật trang tiếp theo để tìm ý nghĩa của nụ cười an nhiên ấy.

Sách gồm ba phần: "Hành trình siêu việt", "Tiến bước trên hành trình của bạn" và "Vượt qua chướng ngại trên đường tu tập". Ở mỗi phần là những mô tả chi tiết về các phương pháp giúp mỗi con người vận dụng Phật pháp, những lời khuyên giảng, triết lý được soi rạng qua chính thực tiễn cuộc sống hàng ngày từ đó được áp dụng ngược trở lại cuộc sống. Những tâm tình, khuyên nhủ, lời răn hay sẻ chia trong sách được xây dựng trên một bề dày thẩm thấu giáo lý Phật pháp. Nhưng cái hay của sách nằm ở chỗ vượt lên khỏi sự giáo điều và đạo giáo để hướng đến cuộc đời bao la. Chính sự rộng mở trong tư tưởng và triết lý của trang sách, khiến cho dù con người ta thuộc tôn giáo nào, vẫn có thể nhận thấy ở đây bài học quý báu, để đi tìm ý nghĩa của trọn vẹn của hai từ: hạnh phúc và bình yên của đời người.

Ở những dòng dẫn nhập vào tác phẩm, Pháp vương Gyalwang Drukpa thường nhắc đến hình ảnh con rùa. Sự hóm hỉnh của ông khi nhắc đến câu lạc bộ rùa hay những con người chậm chạp, thường bị tụt lại phía sau đoàn người hành hương cùng ông trên những chuyến đi dài ngày, có thể làm người ta bật cười. Nhưng đằng sau cái cười ấy là một lời khuyên và giá trị của việc sống chậm, không phải chậm ở hoạt động hướng ngoại, mà là để tâm bình an lại, như chú rùa cảm nhận từng bước dịch chuyển nhỏ nhoi của mình giữa thế giới bao la. Không vội vã, không quá cuồng nhiệt lao về phía trước mà quên đi rằng ta đang sống, đang hít thở, đang cần cảm nhận hành trình mỗi ngày chứ không chỉ là đặt tất cả giá trị của cuộc sống nhắm vào đích đến. Chỉ khi tâm bình an giữa biến thiên của cuộc sống, thì tâm ấy mới hình thành nên được những tính cách tốt đẹp ở mỗi người. Tính cách tốt đẹp giúp con người ta bớt sân hận, oán hờn, trói mình vào những chấp nhặt, lo sợ hay đau khổ.