Mặc dù chúng ta luôn muốn tự do hoặc cho rằng mình đang có được tự do, nhưng thực tế là chúng ta luôn bị chi phối bởi các xúc tình tiêu cực như tham lam, sân giận, mê mờ, tà kiến… Chúng ta muốn thoát khỏi mọi ràng buộc và không muốn tuân theo kỷ luật. Nhưng ta không thể làm như vậy vì nếu thiếu giới luật, chúng ta sẽ bị nhấn chìm bởi xúc tình phiền não. Bởi vậy, giới luật chính là tấm lá chắn bảo vệ chúng ta, là lan can che chở cho chúng ta như những đứa trẻ còn non nớt trên con đường đạo khỏi bị té ngã.
Để qua sông, nhất thiết cần có thuyền hoặc tàu. Song khi qua sông rồi thì thuyền không còn quan trọng nữa; bạn cũng không còn cần tới thuyền. Bạn có thể đi bộ hoặc dùng xe. Tương tự như vậy, bạn cần hiểu rằng những giới luật phức tạp như “không sát sinh”, “không uống rượu”, “không hút thuốc”, “không làm hại người khác”, “không nói xấu”, “không tham lam”, “hãy từ bi”… cần được thực hành để trưởng dưỡng trí tuệ và lòng bi mẫn.
Hai đức hạnh này giống như đôi cánh của loài chim. Nếu muốn bay, chim cần có đủ đôi cánh. Chúng ta chưa từng thấy con chim nào có thể bay chỉ với một cánh. Tôi nghĩ điều đó hoàn toàn là không thể. Tương tự, hành giả phải thực hành cả hai hạnh - trí tuệ và từ bi cùng một lúc.”
(Lời khai thị của Pháp Vương Gyalwang Drukpa)