Thangka chỉ có duy nhất trong Phật giáo Kim Cương thừa. Đó là một bức họa hay một bức tranh thêu được làm từ vải lanh, vải bông hay lụa có thể tiện mang đi lại được; những bức họa này, thường được treo trong tự viện hay bàn thờ của một gia đình và được các vị lama mang theo trong các lễ hội.
Các khoáng chất khác nhau tạo màu nền cho vải và nguyên liệu từ thực vật tạo màu cho bóng của hình vẽ. Các bức Thangka có thể họa vẽ chư Phật Bản tôn hay các Bậc Thượng sư, hoặc những sự kiện trong cuộc đời của các Ngài. Thangka luôn có hình chữ nhật; những Thangka hình vuông thường vẽ Mandala.
Những hình tượng nghệ thuật Thangka là phương tiện hỗ trợ trực quan cho con đường tu tập đến giác ngộ. Người xem cần nghiên cứu Thangka cho đến khi trở nên quen thuộc với từng chi tiết.
Những bức thangka về chư Thượng sư, Phật Bản tôn, không chỉ là tranh trang trí. Thời nay, nhiều người ham mê sưu tập tranh Thangka để trang trí nhà cửa. Người ta thán phục nghệ thuật Vùng núi tuyết Himalaya và tiêu tốn nhiều tiền để mua tranh thangka. Làm như thế cũng không có gì xấu, tuy nhiên các bức tranh này không chỉ là tác phẩm nghệ thuật hay đồ trang trí mà năng lực chính của thangka là truyền cảm hứng cho chúng ta. Mỗi bức thangka họa hình một vị Phật Bản tôn sẽ thức tỉnh trong chúng ta niềm mong ước được biết Ngài là ai, Ngài đã từng sống trong thời đại nào, đã có những công hạnh gì và thành tựu chứng ngộ ra sao? “Ngài đã thành tựu giác ngộ chỉ trong một đời! Thật tuyệt vời! Vậy sao mình không thể?” Mọi đường nét sắc tướng, tư thế tọa thiền, thế ấn đều truyền cho chúng ta cảm hứng và thúc giục chúng ta hành trì tu tập để thành tựu được như Ngài, vì lợi ích của hết thảy hữu tình.
Đây là lý do vì sao chúng ta cần tới những bức thangka. Mặc dù Nghệ thuật Mật thừa có tính thẩm mỹ rất cao, nhưng quan trọng hơn cả tranh thangka là tinh túy của nghệ thuật tâm linh, gợi nhắc tới các bậc Thượng sư, các Daka, Dakani, có năng lực truyền cảm hứng và là bản đồ tu tập dẫn tới giải thoát giác ngộ.