Ý nghĩa biểu tượng trong nghệ thuật hội họa Phật giáo

21/11/17 08:11:37 Lượt xem: 155

Thông thường, các tác phẩm nghệ thuật Phật giáo chủ yếu tái hiện lại nội dung của kinh điển. Hội họa Phật giáo thời kỳ đầu thường mô tả lại cuộc đời Đức Phật, nội dung của các bộ kinh và các câu chuyện tiền thân Đức Phật. Bối cảnh và nhân vật trong các tác phẩm nghệ thuật được khắc họa theo quan kiến của đạo Phật tùy thuộc vào truyền thống của từng địa phương. Vì vậy, bước đầu tiên để khảo cứu và phân tích một tác phẩm nghệ thuật Phật giáo là xác định nguồn gốc của bức họa đó.


(Ngũ trí Như Lai)

Trong thời kỳ đầu, các thủ ấn, thiên y của chư Phật cùng các chi tiết khác trong các bức họa và tượng không tuân thủ quá chặt chẽ những nguyên tắc về tính biểu tượng. Sau này, với sự phát triển của Phật giáo Đại thừa và tầm quan trọng của tính biểu tượng trong Đại thừa, 5 thủ ấn của Đức Phật được biết đến là những thủ ấn nguyên thủy gắn liền với những thời khắc lịch sử khác nhau trong cuộc đời của Ngài, hay còn nêu biểu cho Ngũ trí Phật: Đức Phật Đại Nhật Như Lai, Đức Phật Bất Không Thành Tựu, Đức Phật A Di Đà, Đức Phật Bảo Sinh và Đức Phật Bất Động.

Ngũ trí Như Lai nêu biểu cho 5 phương hướng của pháp giới (phương Đông, Bắc, Tây, Nam và Trung tâm), 5 màu sắc, ngũ độc, ngũ uẩn, ngũ trí v.v… Theo quan kiến Phật giáo, những si mê, phiền não thông thường của con người được chia thành năm loại hay còn gọi là Ngũ độc, bao gồm vô minh, sân giận, kiêu ngạo, tham ái và đố kỵ. Đạo Phật cho rằng chúng là toàn bộ những yếu tố khiến chúng ta mê đắm trong khổ đau luân hồi và chưa thể đạt thành giác ngộ.

Thangka Đức Bất Động Phật (cuối thế kỷ 13) tại Bảo tàng Mỹ thuật Honolulu (Hoa Kỳ)

Ngũ trí Phật lần lượt tương ứng với năm loại trí tuệ: Đức Phật Bất Động tương ứng với trí tuệ Đại viên cảnh trí, Đức Phật Bảo Sinh tương ứng với trí tuệ Bình đẳng tính trí, Đức Phật A Di Đà với trí tuệ Diệu quan sát trí, Đức Phật Bất Không Thành Tựu Phật với trí tuệ Thành sở tác trí và Đức Phật Đại Nhật Như Lai với Trí tuệ toàn hảo hay Pháp giới thể tính trí.

Hầu hết chư Phật, Bồ Tát và các Bản tôn trong kinh điển đều thuộc năm bộ Phật này (nhiều bài nghiên cứu của phương Tây gọi là các Thiền Na Phật – Dhyani Buddhas). Tên các bộ Phật được lấy theo đặc tính của Ngũ trí Như Lai, bao gồm Phật bộ, Liên hoa Bộ, Kim Cương bộ, Bảo Sinh bộ và Nghiệp bộ. Ví dụ, đối tượng trung tâm cần được tịnh hóa thông qua thiền định của bộ Nghiệp chính là độc tố phiền não “ghen tỵ”.

Cùng với sự phổ biến của các hình tượng phức tạp hơn trong Phật giáo Đại thừa và Kim Cương thừa, hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật tạo hình phong phú mới ra đời. Tính biểu trưng của các tác phẩm này thể hiện nhiều ý nghĩa sâu sắc của giáo pháp. Ví dụ, một vị Phật Bản tôn với hai tay nêu biểu cho chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối; hay một Bản tôn với ba mắt, một mặt nêu biểu cho sự hợp nhất của ba thời – quá khứ, hiện tại và tương lai; sự hợp nhất của Bản tôn mẫu tính và phụ tính nêu biểu cho tính bất khả ly của Trí tuệ và Từ bi hay sự chuyển hóa năng lượng của sự đam mê thành trí tuệ tỉnh thức trên con đường thực hành tâm linh.

Tương tự như vậy, một vị Phật Bản tôn với 6 sức trang hoàng nêu biểu cho 6 Ba la mật, Bản tôn Thắng Lạc Kim Cương với 12 tay nêu biểu cho 12 nhân duyên, Đức Kim Cương hàng phục Dạ ma với 18 chân nêu biểu cho 18 khía cạnh của tính Không, v.v…

Các Bản tôn trong đạo Phật hoàn toàn không tách rời với cuộc sống và kinh nghiệm hàng ngày nơi mỗi người. Đó chính là sự phản ánh các trạng thái tâm thức xúc cảm khác nhau. Các Bản tôn An bình nêu biểu sự tiếp cận tâm linh có những phẩm tính riêng, ví dụ Đức Quan Âm biểu trưng cho lòng Từ bi, trong khi Đức Văn thù biểu trưng cho Trí tuệ. Chư Bản tôn Uy mãnh biểu trưng cho sự đấu tranh để chuyển hóa cảm xúc sân giận thành dũng lực nơi mỗi người. Khi chúng ta không biết đến những năng lượng tiềm ẩn hay còn gọi là phần tối trong con người mình thì chúng sẽ bộc lộ một cách tiêu cực. Nhưng khi chúng ta chủ động nhìn nhận chúng một cách có ý thức thì chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận và bao dung hơn với chính bản thân mình cũng như với người khác. Đó cũng là lúc chúng ta có thể chuyển hóa những năng lượng tiềm ẩn bên trong con người mình thành năng lực sáng tạo tốt đẹp.

Hình ảnh chư Bản tôn trong lòng Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên


Nếu nghiên cứu sâu hơn, mỗi một hình ảnh trong đạo Phật ẩn tàng những ý nghĩa thâm sâu về toàn bộ giáo pháp của Đức Phật mà chúng ta không thể phân tích từ chỉ một góc nhìn cụ thể nào. Xét về mặt ngữ nghĩa, mỗi một bức họa thường mang tính chất biểu trưng đặc biệt siêu việt giới hạn của ngôn từ và chúng ta chỉ có thể hiểu được bằng “ngôn ngữ tượng hình”, ví dụ thông qua các “nghi quỹ”.

Ngày nay, rất nhiều biểu tượng nghệ thuật Phật giáo tinh tế đã được thế giới biết đến rộng rãi nhờ vào những tác giả tâm huyết chuyển thể kinh điển sang tiếng Anh, trong đó có nhà nghiên cứu Robert Beer với cuốn sách “Hướng dẫn về các biểu tượng Phật giáo vùng Himalaya”.

(Tác giả: Andrey Terentyev https://www.buddhistdoor.net)

Tin tức liên quan