Đức Bản sư Thích Ca Mâu Ni Phật là bậc Giác ngộ tỉnh thức đã thấu rõ chân lý của vạn pháp, thị hiện trong hình tướng loài người để khai sáng Ánh đạo vàng. Bậc Giác ngộ đã đản sinh cách đây 2.500 năm tại Ấn Độ với tiểu sử, công hạnh được ghi nhận rõ ràng. Những Thánh tích nơi Đức Phật đản sinh, chuyển pháp luân, hoằng pháp hay thể nhập Niết Bàn đều còn được lưu dấu. Tất cả giáo lý chúng ta được tiếp cận đều do Đức Phật Thích Ca tuyên thuyết, các bậc Thầy giác ngộ sau này đều phát huy giáo pháp của Ngài nên chúng ta phải biết đến và tri ân Ngài là Bậc Thầy gốc của mình.
Trên thực tế, Đức Phật chưa từng bao giờ bỏ rơi mà vẫn ở bên cạnh âm thầm nâng đỡ chúng sinh, chỉ do nghiệp chướng ngăn che nên chúng ta không nhận thấy Ngài. Nhưng nếu có lòng thành kính, đức tin chí thành hướng về Quy y nơi Ngài thì đồng thanh tương ứng sẽ có thể cảm thấu sự hiện diện gia trì của Ngài. Cho nên chúng ta có đức tin rằng Đức Phật vẫn ở đây, vẫn luôn luôn bên cạnh và không bao giờ từ bỏ hạnh nguyện cứu độ chúng sinh.
Chữ Thích Ca Mâu Ni Phật là tiếng Ấn Độ. Khi dịch nghĩa sang tiếng Trung Quốc thì có hai nghĩa là Năng nhân và Tịch mặc. “Năng nhân” có nghĩa là “sức mạnh của lòng từ bi” vô ngã bình đẳng đã trở thành năng lực vĩ đại để Đức Phật có thể cứu khổ cho chúng sinh. Tình thương của Đức Phật bình đẳng, có năng lực chuyển hóa mọi khổ đau giúp chúng sinh chứng đạt hạnh phúc giác ngộ. Chính lòng từ bi đã trở thành năng lực để Ngài có thể thị hiện vô số thân, bất cứ ai cầu đến, Ngài đều có thể cứu khổ. Sức mạnh của lòng từ bi đã giúp Đức Phật bao nhiêu kiếp không nhàm mỏi trong sự nghiệp cứu độ chúng sinh. Trong kinh Bồ Tát Giới, đích thân Đức Phật Thích ca nói: “Ta đã tám nghìn lần đến thế giới Sa bà”. Cho nên Ngài có danh hiệu là “Năng nhân” hay chúng ta có thể hiểu là “Từ bi”.
Còn “Tịch mặc” có nghĩa là Trí tuệ. “Tịch” là có trí tuệ thấu đáo ngoại cảnh. “Mặc” là có trí tuệ để đối diện chính nội tâm mình. Ngoại cảnh bên ngoài bao gồm thành bại, thịnh suy, vinh nhục, khen chê, đói khát, nóng lạnh hay khổ thuộc về bên ngoài không làm dao động Đức Phật. Trong lịch sử Đức Phật Thích Ca có câu “Núi tuyết tu hành sáu năm khổ hạnh”. Những năm dài tu hành khổ hạnh nhịn ăn uống, chịu bao vất vả ngoại cảnh chưa bao giờ làm Ngài nao núng. Trong Kinh Đức Phật dạy rằng: “Chiến thắng trăm quân chưa phải là chiến công oanh liệt. Người chiến thắng chính mình mới là người oanh liệt nhất”. Sức mạnh nội tâm đã khiến Ngài chiến thắng mọi ngoại cảnh, trước thành bại, thịnh suy, vinh nhục, đói khát, khen chê… tâm Ngài vẫn bất động cho nên gọi Ngài là Tịch. Còn nghĩa chữ Mặc thể hiện sức mạnh của Ngài không để các trạng thái tâm chi phối, những ma chướng đến từ tâm tham, sân, giận, ghét, ái dục, vô minh đều không làm Ngài dao động. Như vậy, cả ngoại cảnh lẫn nội tâm đều không làm Ngài dao động, mê mờ, khác hẳn chúng sinh luôn bị ngoại cảnh và những xúc tình tiêu cực tham, sân, si,… chi phối.
Như vậy danh hiệu của Đức Phật Thích ca gồm cả hai phần Từ bi và Trí tuệ. Là đệ tử của Phật chúng ta phải thừa hưởng được gia tài Ngài để lại cho chúng sinh. Đó chính là kho báu của năng lực từ bi và trí tuệ. Gia tài ấy ai cũng có nhưng do chúng ta quên mất cách dùng nên vẫn mãi mắc mớ loanh quanh trong vòng khổ.
Sau khi hiểu về danh hiệu của Đức Phật, chúng ta phải biết rằng Đức Phật là bậc toàn giác, toàn tri, với năng lực từ bi uy dũng vô song không gì có thể so sánh được. Nên chúng ta phải thành kính tri ân và thấy mình vô cùng may mắn được làm đệ tử quy y dưới gót sen của Ngài.