Nếu ngẫm kỹ về điều này, bạn sẽ nhận thấy Bồ đề tâm là cảm giác của sự quan tâm sâu sắc, với tình thương yêu và lòng bi mẫn hướng về hết thảy hữu tình. Do thực sự thương yêu và đồng cảm, bạn không chỉ cảm thấy, bạn còn muốn có những hành động quan tâm chăm sóc dành cho chính bạn, với bạn bè và cha mẹ. Song nếu chỉ quan tâm một cách giới hạn đến cha mẹ, bạn bè, thì đó không phải Bồ đề tâm; đó vẫn là một loại chấp thủ bởi sự hạn chế của nó. Loại cảm xúc này rất dễ phát triển vì tất cả chúng sinh đều sẵn có.
Nhưng Bồ đề tâm chân thật là không giới hạn, vượt khỏi mọi ranh giới, bao gồm trọn vẹn hết thảy chúng hữu tình. Khi hành giả vẫn chưa phát triển tâm Bồ đề hướng về hết thảy chúng sinh, thì lúc đó vẫn chưa phải là sự thực hành chân chính và trọn vẹn về tâm Bồ đề. Cái mà chúng ta thực hành chỉ là giới hạn đến một số người mà chúng ta quan tâm. Nếu chúng ta không có được tình yêu thương và lòng bi mẫn hướng về tất cả mọi người, ngay cả với kẻ thù của chúng ta, hay với những đất nước và những con người mà chúng ta không thích, thì không thể thực hành trưởng dưỡng Bồ đề tâm chân thật, bởi vì nó vẫn còn bị giới hạn.
Trong một số kinh điển Đại Thừa nói rằng Đức Phật đã truyền dạy giáo pháp về hai loại Bồ đề tâm cho các đệ tử Bồ Tát của Ngài là Đức Văn Thù Sư Lợi và Đức Quan Thế Âm.
Loại thứ nhất là Bồ đề tâm tương đối, loại thứ hai là Bồ đề tâm tuyệt đối, đôi khi còn gọi là Mahamudra, Dzogpa Chenpo hay Phật tính. Chhúng ta phải thực tập phát triển Bồ đề tâm tương đối trước khi chứng ngộ Bồ đề tâm tuyệt đối.