Chân ngôn Mantra hay âm thanh thanh tịnh có tầm quan trọng đặc biệt trong truyền thống Phật giáo Kim Cương thừa. Bởi thế thừa này còn gọi là Mantrayana hay Chân ngôn thừa.
Trong tiếng Phạn, từ “Man” là “suy nghĩ”, và từ “Tra” có nghĩa là “giải phóng bản thân khỏi thế giới vật chất”.Việc kết hợp nghĩa hai từ này tạo thành “Mantra” có nghĩa là “tư tưởng được giải thoát và bảo vệ” hay còn gọi là “Bảo hộ tâm”.
Mật điển dạy rằng: “Việc trì chân ngôn giúp hành giả tiêu trừ tất cả nghiệp xấu, khổ đau, không đọa lạc tam đồ ác thú, cuộc sống đạt hạnh phúc bình an, lâm chung được vãng sinh Tịnh độ”.
Về cách thức, người mới trì tụng chân ngôn đầu tiên nên trì tụng để nghe rõ âm thanh mình, để sóng âm ba của chân ngôn phát ra lan tỏa sâu hơn vào tim và cuối cùng là tập an trụ trong sự an tịnh, để siêu thanh bên trong tự nhậm vận hoạt động. Trên quan điểm thực hành, điều này vô cùng quan trọng.
Có một số chân ngôn không được phép trì tụng nếu không được nhận quán đỉnh hoặc khẩu truyền từ bậc Kim cương Thượng sư. Trong trường hợp này, chúng ta cần đón nhận sự hướng đạo chính thức về cách sử dụng chân ngôn.
Sở dĩ bậc Thầy tâm linh cần truyền trao chân ngôn cho đệ tử vì khi bậc Thầy giác ngộ tán tụng khẩu truyền cho đệ tử mình cũng là lúc Ngài ban truyền dòng ban phúc gia trì không gián đoạn để các đệ tử có năng lực gia trì và tiếp tục thực hành chân ngôn đạt được thành tựu. Nhờ vậy, năng lực và công đức tu trì chân ngôn sẽ tăng trưởng theo cấp số nhân.