Chân ngôn hay âm thanh thanh tịnh có tầm quan trọng đặc biệt trong truyền thống Phật giáo Kim Cương thừa. Bản thân thừa này còn được gọi là Mantra hay Chân ngôn thừa. Trong tiếng Phạn, từ “Man” là “suy nghĩ”, và từ “Tra” có nghĩa là “giải phóng bản thân khỏi thế giới vật chất”. Việc kết hợp nghĩa hai từ này tạo thành “Mantra” có nghĩa là “tư tưởng được giải thoát và bảo vệ” hay còn gọi là “Bảo hộ tâm”.
Nghệ thuật điêu khắc Kim cương thừa nổi tiếng với những tác phẩm mật chú trên đá. Chúng cũng được gọi là ngọc Mani vì chúng thường được chạm chữ OM MANI PADME HUNG, câu chân ngôn của Đức Phật Quan Âm Avalokiteshvara. Mani bao gồm những họa tiết chạm khắc hoặc được dập đúc trên bề mặt đá, sau đó được phết sơn. Người ta thường thấy những ban thờ đá Mani ở gần các khu vực tự nhiên như đỉnh đồi, các vùng đèo, bờ hồ và bờ sông. Tại Tây Tạng, nghệ thuật chạm khắc chân ngôn xung quanh mái tự viện cũng rất phổ biến.
Chân ngôn bí mật và linh thiêng diễn đạt những âm thanh và tinh túy năng lượng cơ bản để mang lại sự hài hòa của những yếu tố giữa thân và tâm. Trì tụng một chân ngôn đem lại năng lượng chữa lành kỳ lạ và giúp chúng ta đạt được sự cân bằng giữa thân và tinh thần, giống như thức ăn cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể thì chân ngôn thần chú chữa lành tâm hồn cho mỗi chúng ta. Theo cách này, chân ngôn chính là sự hỗ trợ tinh thần đầy năng lực, nó không chỉ là những âm thanh theo những quy ước mà là sự cộng hưởng những năng lượng nguyên sơ vi tế đã sẵn có trong mỗi người.