Kinh Tăng Nhất A Hàm có ghi lại câu chuyện sau: “Tại kinh thành Ca Tỳ La Vệ quá khứ, có một cái hồ lớn, nhân mùa nắng hạn, cá mắc cạn, dân trong thành thi nhau bắt cá để ăn, trong đó có con cá lớn đang chờ chết. Từ xa có một chú bé độ 13 tuổi, ăn chay trường đứng xem người bắt cá, chú bé nghịch lấy cây gõ lên đầu cá lớn, nhưng không làm chết cá…
Thành Ca Tỳ La Vệ ở hiện kiếp, Bồ tát Tất Đạt Đa sinh ra trong cung vua Tịnh Phạn, xuất gia và thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Ngày nọ có vị Hoàng thái tử Lưu Ly, nước Kiều Tát La, mới 8 tuổi, con của vua Ba Tư Nặc và Mạt Lợi phu nhân, thuộc bà con bên ngoại của đức Thích Ca đến thăm nước Ca Tỳ La Vệ. Vì tuổi nhỏ chưa biết tôn kính đức Phật, nên có nhảy lên tòa Kim cương của Đức Phật mà ngồi. Lính cận vệ của nhà vua bảo: “Xin hoàng thái tử không nên leo lên tòa ngồi của Phật vì đức Phật là bậc tôn kính, xin ngài hãy xuống…” Hoàng thái tử Lưu Ly tức giận tại sao mọi người không cho ngài ngồi trên đó, ngài nghĩ ngài cũng xứng đáng ngồi trên đó chứ!
Đến khi khôn lớn, Hoàng thái tử Lưu Ly, soán ngôi vua cha lên ngôi báu gọi là vua Lưu Ly. Nhà vua nhớ lại lúc nhỏ đến quê ngoại Ca Tỳ La Vệ bị làm nhục, nên cất binh đánh nước Ca Tỳ La Vệ của vua Tịnh Phạn. Vua Lưu Ly cho bắt hết dân trong thành thuộc dòng họ Thích đem giết, bỏ vào một hố lớn, có người vẫn còn sống nằm dưới hố rên rỉ! Tôn giả Mục Kiền Liên dùng thiên nhãn nhìn thấy dòng họ Thích của đức Phật bị nạn như thế, xin đi cứu hộ, can ngăn vua Lưu Ly dừng tay giết dòng họ của đức Phật. Nhưng khi đi đến nơi mọi người đã chết, không cứu được.
Đức Phật dạy: “Đó là quả báo của Ta và dòng họ Thích Ca, ngươi bảo các người dòng họ Thích không nên đánh lại nước Kiều Tát La của vua Lưu Ly!”
Đức Phật dạy: “Tiền thân Vua Lưu Ly là “cá lớn lúc đang mắc cạn, bị ta gõ lên đầu 3 lần”, lính của vua Lưu Ly là số “cá bị mắc cạn”, dân trong thành bắt cá ăn lúc bấy giờ, nay là dân dòng họ Thích Ca, chú bé 13 tuổi nay là Ta: Thích Ca Mâu Ni, do Ta có gõ lên đầu “cá lớn” ngày trước, nên lúc vua Lưu Ly đánh giết dòng họ Thích, Ta bị nhức đầu…”
Hiểu rõ lý nhân quả chính là trí tuệ!